Thiết kế đồ họa là ngành học kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo và khả năng cảm nhận thẩm mỹ, thông qua các công cụ đồ họa để truyền tải nhiều thông điệp. Thiết kế đồ họa là một lĩnh vực sâu rộng, có thể ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực như in ấn, quảng cáo, xuất bản,… Nếu bạn còn đang phân vân không biết “có nên học ngành Thiết kế đồ họa” hay không thì bài viết dưới đây sẽ giải đáp cụ thể thắc mắc của bạn.
Cùng với sự phát triển của công nghệ và truyền thông, Thiết kế đồ họa đang trở thành ngành học hấp dẫn với cơ hội việc làm cao. Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, mỗi năm nước ta cần hơn 1.000.000 nhân lực cho ngành Thiết kế đồ họa.
“Cầu” lớn như vậy nhưng các cơ sở đào tạo hiện chỉ mới “cung” được 40% nhu cầu nhân lực cho ngành. Chính sự khan hiếm ấy khiến sinh viên ngành Thiết kế đồ họa luôn được doanh nghiệp “săn đón” ngay từ trên ghế Nhà trường. Thị trường lao động với nhu cầu lớn đã tạo ra cơ hội việc làm phong phú, với mức lương vô cùng hấp dẫn.
Có nhiều cách khác nhau để học thiết kế đồ họa. Bài viết sau đây sẽ phân tích hai con đường học thiết kế khá phổ biến hiện nay là đại học và tự học. Hy vọng sẽ giúp bạn tìm được cách phù hợp nhất với bản thân.
Học thiết kế tại trường đại học
Đại học là con đường học vấn được rất nhiều bạn trẻ và các phụ huynh lựa chọn. Cũng có nhiều bạn muốn học thiết kế đồ họa tại các trường đại học. Dựa trên thực tế, chương trình đại học có những ưu điểm như sau:
Ưu điểm:
Bằng cấp:
Đây là một trong những ưu điểm thực tế nhất khi bạn chọn học đại học. Không riêng thiết kế, với bất cứ chuyên ngành khác, tấm bằng đại học vẫn được cho là tấm vé thuận lợi để tìm việc trong tương lai. Thực tế đã cho thấy vẫn có khá nhiều doanh nghiệp yêu cầu bằng đại học. Thậm chí trong trường hợp bạn muốn làm trái ngành, bằng đại học vẫn có thể giúp bạn tìm kiếm việc làm.
Kiến thức được hệ thống hóa:
Học đồ họa tại trường đại học cho phép bạn tiếp cận chương trình được hệ thống hóa bài bản. Học thiết kế không đơn giản là học các phần mềm như Photoshop, AI, … Bạn cần có kiến thức nền về mỹ thuật căn bản, tư duy thiết kế để phát triển mắt nhìn thẩm mỹ. Từ những kiến thức đó bạn mới biết cách tạo bố cục, phối màu, lựa chọn typo phù hợp. Để tạo nên cái đẹp cũng rất cần có kiến thức. Và khi theo học đại học, bạn sẽ được học những kiến thức cần thiết này theo lộ trình đã được nghiên cứu trước.
Tiếp xúc với giảng viên nhiều kinh nghiệm:
Ít nơi nào cho bạn cơ hội tiếp xúc với những người ưu tú trong nghề như đại học. Tiếp xúc với các giảng viên đại học không chỉ giúp bạn học được kiến thức. Cùng với đó sẽ là thật nhiều kinh nghiệm được sẻ chia (miễn phí). Thậm chí thầy cô có thể tạo cầu nối cho sinh viên thực chiến, tham gia nhiều dự án sáng tạo thú vị.
Tạo networking:
“Học thầy không tày học bạn”. Ở môi trường đại học, ngoài lợi thế được tiếp xúc với nhiều giảng viên, bạn có thể kết nối với nhiều bạn cùng ngành. Bạn sẽ học được rất nhiều điều từ họ qua những project làm chung trên trường lớp. Từ những kỹ năng cứng như các thao tác hoặc tip sử dụng tool mượt hơn trên máy. Cho đến các kỹ năng mềm như cách tạo ý tưởng, teamwork, cách giao tiếp sao cho hiệu quả…
Ngoài ra, networking tại trường đại học cũng mang đến không ít cơ hội thực tập hoặc việc làm sau này. Không ít bạn giới thiệu job cho nhau, trở thành cộng sự đắc lực sau này.
Được nhận nhiều góp ý có ích:
Làm design luôn luôn cần feedback. Đặc biệt trong giai đoạn “mầm non”, bạn luôn cần những lời góp ý liên tục để phát triển. Học đại học sẽ cho bạn nhận được nhiều góp ý chân thực từ thầy cô, bạn bè. Điều này sẽ rất có ích để bạn bồi đắp kỹ năng. Đồng thời rèn luyện thêm “tinh thần thép” trước những feedback thực sự kinh khủng từ các khách hàng tinh túy sau này.
Không thể phủ nhận thật nhiều lợi ích khi học thiết kế đồ họa tại trường đại học. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người băn khoăn về điều này. Phần lớn cũng vì các nhược điểm sau đây:
Nhược điểm:
Mất nhiều thời gian:
Thông thường học đại học sẽ mất từ 4-5 năm. Đây là một bất lợi với người học vì có thể chậm nhịp với thế giới. Ngành thiết kế luôn biến đổi không ngừng. Bạn càng gia nhập muộn, bạn càng dễ bị bỏ lại phía sau.
Tốn kém:
Học đại học thường yêu cầu một khoản chi phí nhất định trong từng kỳ. Với chương trình kéo dài từ 4-5 năm thì tổng số chi phí là không ít.
Làm sao học hiệu quả:
Với những bạn vẫn muốn học thiết kế đồ họa tại đại học, có thể tham khảo những lưu ý sau:
Chuẩn bị chi phí học:
Hãy lên kế hoạch chuẩn bị tài chính cho toàn bộ chương trình học kéo dài. Bạn có thể thông báo trước với gia đình về ý định học. Chủ động lên kế hoạch về học phí theo từng kỳ bằng cách đi làm thêm nếu gia đình không thể chu cấp.
Chủ động cập nhật xu hướng:
Điểm bất lợi lớn nhất của đại học là ít cơ hội va chạm thực tế. Bởi vậy hãy thật chủ động cập nhật các xu hướng sáng tạo. Hãy để ý xu hướng thiết kế năm nay là gì. Chăm chỉ follow các agency, influencer làm về thiết kế. Theo dõi những dự án thiết kế mới mẻ được giới thiệu và phân tích cách thiết kế, sáng tạo… Nhờ đó bạn sẽ luôn bắt nhịp với thế giới và không sợ bị “chậm nhịp”, “ngơ ngác” khi mới tốt nghiệp.
Tự học thiết kế đồ họa
Không ít bạn trẻ hiện nay chọn cách tự học thiết kế. Vì sao họ lại chọn lối đi khác biệt này? Có thể vì những ưu điểm sau đây:
Ưu điểm:
Thời gian linh hoạt, không bị gò bó:
Tự học cho phép bạn tự do và đặc biệt linh hoạt về thời gian. Nhiều người đã đi làm, hoặc học đại học và muốn học thêm về thiết kế chọn cách học này. Bạn không bị giới hạn vào một lịch trình gò bò như trên trường đại học. Bạn muốn học vào ban ngày hay tối, thậm chí ban đêm? Hoàn toàn do quyết định của bạn.
Không tốn kém chi phí học:
Với nguồn thông tin khổng lồ có sẵn trên mạng, bạn hoàn toàn có thể tự tìm hiểu thiết kế mà không tốn quá nhiều chi phí. Bạn có thể tìm các video tutorial trên youtube, blog, tự tổng hợp thông tin cho mình. Với những kiến thức khó hiểu, bạn có thể đăng ký các khóa học ngắn với chi phí phải chăng. Cần học kiến thức nào, muốn bỏ ra chi phí bao nhiều? Bạn hoàn toàn tự quyết định chứ không bị động như học đại học.
Có thể trải nghiệm thực tế bất cứ lúc nào:
Cũng vì tự do thời gian nên người tự học thiết kế có thể tìm kiếm việc làm bất cứ lúc nào. Không ít người đã tìm được cơ hội thực tập chỉ sau một thời gian ngắn tự mày mò. Điều này giúp họ tiết kiệm thời gian, thay vì mất 4-5 năm như học đại học.
Nhược điểm:
Mặc dù có những ưu điểm nhất định, nhưng phương pháp tự học có thể mang đến nhiều rủi ro.
Không có lộ trình học:
Nếu xác định tự học, bạn sẽ cần tự xác định lộ trình và chương trình cho mình. Nên học những gì? Cần thời gian bao lâu? Làm sao xác định mình đã học được kiến thức đó? Rất nhiều người không biết học từ đâu nên dễ bị mất phương hướng. Từ đó họ bị nản chí, học không hiệu quả và mất thời gian vô ích.
Khó tạo kỷ luật cho bản thân:
Tự học cho phép bạn linh hoạt và tự do về thời gian. Tuy nhiên muốn học hiệu quả bạn rất cần tạo thói quen kỷ luật cho mình. Điều này không hề dễ dàng. Chúng ta dễ có tâm lý trì hoãn, nây không học thì mai học. Vì vậy dễ dẫn đến tình trạng học không hiệu quả và tốn thời gian.
Đơn phương độc mã:
Nếu học đại học cho phép bạn tiếp xúc thầy cô, có bạn có bè. Tự học giống như một con đường độc hành khó thấy điểm kết. Điểm bất lợi lớn nhất là bạn không biết hỏi ai mỗi khi có thắc mắc, hoặc có sản phẩm cần góp ý. Bạn có thể hỏi ý kiến trên mạng, tại nhiều group chuyên môn trên facebook. Tuy nhiên, xác suất cao sẽ phải nhận phản hồi không mấy thiết thực từ các designer muốn làm bề trên, những comment bông đùa hay thậm chí tiêu cực.
Học ngành Thiết kế đồ họa ra trường làm gì?
- Thiết kế đồ họa: Đây là công việc hầu hết các bạn sinh viên ra trường đều sẽ đảm nhận, cụ thể các bạn sẽ làm việc tại các lĩnh vực liên quan đến thiết kế như: Thiết kế logo, menu, catalogue, brochure, nhãn sản phẩm, thiết kế bảng hiệu, triển lãm, các vật phẩm quảng cáo, infographic, hộp đèn, bandroll, thiết kế dàn trang bìa sách, tạp chí,…
- Thiết kế web – App: Thiết kế giao diện người dùng như giao diện website, máy tính, điện thoại, thiết kế app, banner tĩnh, banner động, banner quảng cáo trực tuyến…
- Đồ họa 3D: Thiết kế nhân vật hoạt hình, các bản vẽ kỹ thuật 2D – 3D, thiết kế trang trí nội thất,…
- MultiMedia: Thực hiện các dự án phim quảng cáo, dựng phim, xử lý các hiệu ứng, âm thanh cho MV ca nhạc, các phóng sự truyền hình, phát thanh,…
- Giảng dạy: Sau khi được đào tạo chuyên ngành thiết kế đồ hoạ, cùng một số kĩ năng giao tiếp, sư phạm,… học viên hoàn toàn có thể làm giảng viên giảng dạy tại các trường học, trung tâm về thiết kế.
Kết luận:
Bạn có thể học thiết kế đồ họa theo nhiều cách khác nhau. Dù theo cách nào, điều quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì, nghiêm túc và tâm huyết với lựa chọn. Hy vọng bài viết đã mang đến nhiều thông tin hữu ích. Chúc bạn tìm được phương pháp học tốt nhất!
()